Tên sách “ 10 CÔ GÁI NGÃ BA ĐỒNG LỘC” Nghiêm văn Tân – Nhà xuất bản Phụ nữ
THỜI GIAN: tháng 12 năm 2024
ĐỊA ĐIỂM: Tại sân trường
NGƯỜI THỰC HIỆN: Em Vũ hà Chi- Chi đội 8C
Kính thưa Quý Thầy Cô ! cùng các bạn học sinh thân mến!
Nhân kỉ niệm 80 năm ngày thành lập QĐNDVN và ngày hội quốc phòng toàn dân 22/12/2024. Thư viện nhà trường xin giới thiệu tới quý thầy cô và các bạn cuốn tài liệu “10 CÔ GÁI NGÃ BA ĐỒNG LỘC” của tác giả Nghiêm Văn Tân do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2012. Sách dày 306 trang; khổ 13x19 cm.
Ngã ba Đồng Lộc, cái tên ấy đã trở thành thân quen đối với bất kỳ ai dù chưa một lần đến nơi này - Nơi gắn liền với sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền nam.
10 cô gái thanh niên xung phong của ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam như một biểu tượng cho sự quả cảm của tuổi trẻ trong chiến tranh khốc liệt. Những hình ảnh đẹp đẽ cao cả của họ đã đi vào lịch sử dân tộc, đi vào những áng văn chương, những thước phim cảm động và cả những vần thơ bất hủ.
"Chuyện kể rằng em Cô gái mở đường.
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận.
Em đã lấy tình yêu Tổ Quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy những luồng bom”
Đó là những vần thơ hay nhất, đẹp nhất viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nay tác giả Nghiêm Văn Tân lần nữa muốn tái hiện hình ảnh bi tráng của các cô trong tác phẩm “10 cô gái ngã ba Đông Lộc” như tấu lên một khúc ca thiên thu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cuốn sách được viết theo thể loại truyện ký gồm hai phần: Phần I: ĐÀI HOA TÍM và Phần II: VĨ THANH
Ở phần đầu” Đài hoa tím” tác giả cẩn thận kể từng chi tiết ông gom góp được suốt quá trình tìm về lịch sử cuộc ném bom ác liệt năm 1968 ở ngã ba Đồng Lộc. Trên một câu chuyện có thật về mười cô gái ở tiểu đội 4 đại đội 552 tổng đội có 55 TNXP. Dưới ngòi bút chân thực, giản dị của Nghiêm Văn Tân hiện lên chân thực, xúc động với những bức chân dung mang mỗi người một vẻ: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh. Các chị mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chung một chiến hào, chung một lí tưởng, chung một ý chí, đó là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để dành lấy nền tự do độc lập cho dân tộc. Ngã ba Ðồng Lộc là một khúc tráng ca mang âm hưởng hào hùng và giàu chất thơ, trung thực với sự thật lịch sử, phản ánh một cách sinh động thế giới nội tâm với lòng khao khát yêu đời và tha thiết niềm tin vào ngày mai chiến thắng của các cô gái, dù trong tình huống ngặt nghèo của đạn bom hay trong những khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi… Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, ngã ba Đồng Lộc đã trở thành mạch máu giao thông quan trọng, nối liền hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn Miền Nam. Đế quốc Mỹ biết được điều đó nên đã tìm mọi cách cắt đứt con đường này. Thế nhưng những cô gái TNXP đã dũng cảm xả thân quên mình, quyết “sống bám cầu, bám đường”. Họ đã luôn chiến đấu với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”. Mưa bom bão đạn không thể làm khuất phục ý chí chiến đấu của họ. Rồi giờ phút định mệnh cũng đã đến, vào lúc 16h30 phút ngày 24/07/1968, khi 10 cô gái ra lấp đường cho xe ra chiến trường tiếp viện…, một quả bom đã rơi trước mặt họ. Cả trận địa đã lặng đi, đồng đội ào khóc nức nở… Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời mới 18, đôi mươi – Đó là cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Họ đã ra đi, thân xác họ đã vùi sâu trong đất, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường của họ vẫn sống mãi trong tâm trí những người con đất Việt.
Nghiêm Văn Tân đã dựng lại cuộc sống đời thường của 10 anh hùng liệt nữ được mô tả thật kỹ càng, thật xúc động. Qua đó chúng ta thấy được một vùng quê Hà Tĩnh trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Không khí chiến tranh hừng hực trong từng ngôi làng, trong từng căn nhà. Cùng với bom đạn là thiếu thốn, khó khăn. Miếng cơm, manh áo lúc đó của Hà Tĩnh là cả một chuyện lớn. Thế nhưng vì tiền tuyến, người Hà Tĩnh không tiếc một cái gì, kể cả những đứa con của mình dứt ruột để ra, những đứa em mà mình chăm chút ấp iu từ thuở nhỏ.
Khép lại “Đài hoa tím”, Nghiêm Văn Tân đưa chúng ta đến với phần 2 có tên gọi “Vĩ thanh”, gồm có hai chương Đêm và Ngày. Đêm tác giả kể chuyện chính mình đi tìm lại cuộc đời các cô, lặn lội bao nhiêu lần, vất vả ra sao, đã hoàn thành tác phẩm như thế nào, và tại sao tác giả lại chọn đề tài 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc một đề tài quá khó đối với một chàng trai Hà Nội. Chính vì vậy mà tác phẩm đã toát lên một tấm lòng biết ơn không bờ bến của nhân dân ta đối với những người đã ngã xuống trên chiến trường này. Phần cuối cùng là câu chuyện viễn tưởng vào năm 2018, tác giả cùng con cháu của mình trở lại thăm Đồng Lộc với lòng biết ơn vô hạn của thế hệ mai sau trước sự hy sinh anh dũng của những cô gái TNXP.
Đọc truyện ký "10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc", chúng ta vô cùng xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các cô đang ở tuổi thanh xuân. Chúng ta rất biết ơn, tự hào và ngưỡng mộ các cô. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc anh hùng, cũng chính là hiểu được tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên tọa độ chết năm xưa, thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc vì ngã ba này được xây nên từ máu và nước mắt. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ khác sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau. Hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc quật khởi vươn lên giữa mưa bom lửa đạn còn ghi đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Những trang sách của Nghiêm Văn Tân tất cả như sống lại, anh viết giản dị, chất phác, thật thà như con người anh. Anh cẩn trọng, chi tiết như chính cuộc sống của anh nên từng trang viết khiến cho chúng ta có cảm giác: Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc vẫn còn đang sống, và sống mãi với chúng ta: “Các cô như còn đứng đó, chờ lấp hố bom; Đường thông xe các cô mới đi nằm”... Cuốn sách “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, thực sự là một cuốn sách rất hay và ý nghĩa. Nó toát lên một tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường, một khí thế hào hùng của lịch sử dân tộc. Tôi tin chắc rằng, mỗi khi đọc cuốn sách này chúng ta sẽ không cầm nổi những giọt nước mắt trước sự hy sinh đầy đau thương và cảm động của 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc.
Xin mời quý thầy cô và các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, như để thắp nén tâm nhang bày tỏ tình cảm tri ân sâu sắc của mình tới các chiến sĩ TNXP và lớp lớp cha anh đã đổ máu hy sinh cho nền tự do độc lập./..