Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân, tương ái “Thương người như thể thương thân” của nhân dân ta. Qua phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn huyện Gia Lâm nói chung và nhà trường phát động nói riêng đã có nhiều tấm gương điển hình đáng trân trọng, cần biểu dương và nhân rộng. Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là cô giáo Phạm Thị Hạnh hiện là giáo viên Thể dục cuả trường THCS Dương Quang
Không chỉ tham gia hiến máu tình nguyện cứu người nhiều lần, bản thân cô còn là một giáo viên gương mẫu luôn nhiệt tình trong công tác giảng dạy và có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Luôn giúp đỡ và quan tâm, chia sẻ với các đồng nghiệp trong trường, tham gia tích cực mọi phong trào của nhà trường và công đoàn phát động.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, nên cá nhân cô giáo Phạm Thị Hạnh luôn tiên phong trong phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương, cơ sở. Đến nay, cô giáo đã 6 lần tình nguyện cho đi những giọt máu của bản thân mình.
Chia sẻ về lý do sẵn sàng hiến máu tình nguyện, cô Phạm Thị Hạnh cho biết: “Với mình hiến máu nhân đạo là một chính sách lớn, là đạo lý của dân tộc. Đăc biệt với những hoàn cảnh khó khăn, đó là việc làm tốt đẹp mà ai cũng có thể làm. Hàng ngày, mỗi ngày, mỗi giờ trên chính quê hương mình có hàng ngàn số phận không may mắn, cần truyền máu để duy trì sự sống. Là người công dân, mình phải có trách nhiệm, và mình thấy hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó”.
Trong nhiều năm liên tục cùng tham gia phong trào hiến máu tình nguyện cô giáo Phạm Thị Hạnh thực sự đã trở thành tấm gương điển hình cho đoàn viên công đoàn noi theo.
Không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, bản thân cô luôn tích cực vận động, tuyên truyền hoạt động hiến máu tình nguyện đến cán bộ, giáo viên của trường và bà con địa phương nơi cư trú. Bên cạnh đó, cô còn tham mưu với chi bộ, ban giám hiệu nhà trường thành lập “Tổ vận động hiến máu cấp trường” theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Gia Lâm, nhằm góp phần cho việc vận động, tuyên truyền hiến máu tình nguyện một cách đồng bộ hơn. Từ đó giúp cán bộ, giáo viên thấy được ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia hiến máu tình nguyện. Với vai trò là tình nguyện viên, mỗi năm cô đều đặn tham gia hiến máu từ 1 đến 2 lần, tích cực tham gia vận động thầy cô trong trường và người thân đi hiến máu bình quân 5 người/năm. Kết quả hàng năm có 100% số lượng đơn vị máu hiến đạt theo chỉ tiêu huyện giao.
Là mẫu người vui vẻ, hòa đồng, cô luôn hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp. Với nghề nghiệp, cô luôn dành niềm say mê, chủ động tìm hiểu, học hỏi nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đi đầu trong các hoạt động, phong trào do nhà trường tổ chức. Với gần 30 năm đứng trên bục giảng, cũng là bấy nhiêu năm cô phấn đấu, nỗ lực với nhiệm vụ. Được phân công giảng dạy bộ môn thể dục nên cô luôn tạo sự gần gũi, thân thiện giữa cô và trò, giúp các em học tập cởi mở và yêu trường mến lớp, chăm ngoan trong học tập hơn.
Những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo của cô đã góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của mọi người với xã hội. Vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa tích cực cổ vũ, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hưởng ứng, cô Phạm Thị Hạnh là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện. Những việc làm đó của cô cần được UBND Huyện tặng bằng khen tại hội nghị tôn vinh những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên địa bàn Huyện.
TỔ NĂNG KHIẾU