1. Giới thiệu Người truyền ký ức
Thử tưởng tượng bạn sẽ được sống trong một xã hội đồng nhất. Ở đó, bạn sẽ không cần phải lo lắng về đồ ăn, thức uống, cũng không phải lo lắng về trộm cướp nữa. Một xã hội sạch đến từng milimet, không một tội ác nào xảy ra ở đây, không chiến tranh, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt giàu nghèo, màu da. Tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều như nhau. Mọi người trong cộng đồng không còn phải đau khổ hay buồn phiền về điều gì nữa. Đọc đến đây, bạn có thực sự thích sống trong cái cộng đồng ấy không?
Ở thế giới này có một bé trai Jonas chuẩn bị lên 12 tuổi và em ấy chuẩn bị nhận nhiệm vụ đầu tiên của cuộc đời mình. Ở đây, tất cả mọi thứ đều được ràng buộc bởi những luật lệ và sự chuẩn xác của ngôn từ. Luật lệ và nhiệm vụ được thiết lập bởi Hội đồng bô lão – những người sáng lập ra cộng đồng. Họ sẽ theo dõi từng đứa trẻ trong cộng đồng, cho đến khi chúng 12 tuổi, họ sẽ phân cho chúng một nhiệm vụ. Sau khi vượt qua được nhiệm vụ, cuộc đời của những đứa trẻ sẽ gắn liền với nhiệm vụ đó.
Nhiệm vụ ở đây có thể là kỹ sư, nhà khoa học, giám đốc khu giải trí, người trông trẻ,… Trong số đó, có một nhiệm vụ cao cả nhất , lớn lao nhất, đó chính là người truyền ký ức.
Ở cái xã hội này, nếu một đứa trẻ chỉ vô tình nói đùa “Con sắp chết đói đến nơi rồi” cũng sẽ bị đem ra phê bình rất nghiêm khắc. Bởi vì trong cái cộng đồng đó, ko có khái niệm chết đói. Một cái cộng đồng mà hàng năm chỉ có 50 đứa trẻ được sinh ra. Một cái cộng đồng mà người cha và người mẹ không phải là người sinh ra con cái mà họ đang nuôi. Một cái cộng đồng mà khi những đứa trẻ vượt qua 12 tuổi, chúng sẽ không còn nhớ rằng mình bao nhiêu tuổi nữa. Một cái cộng đồng đòi hỏi phải chính xác về ngôn từ. Ví dụ một đứa trẻ hỏi “Bố mẹ có yêu con không” thì sẽ không nhận được câu trả lời nào cả. Ở đây cần đòi hỏi chính xác về mặt ngôn từ, con có thể hỏi “Bố mẹ thích con không?” hoặc “Bố mẹ có tự hào về thành tích của con không”. Một cái cộng đồng mà người già hoặc trẻ em mới sinh mà có khiếm khuyết thì sẽ bị “phóng thích”. Một cái cộng đồng mà tất cả mọi người đều đồng nhất với nhau về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cộng đồng của Jonas sống có những luật lệ kiểm soát hết sức chặt chẽ, hầu như không có một khe hở nào cho sự riêng tư. Nhờ vào luật chống khiếm nhã nên mọi người ở đây sẽ không có mâu thuẫn, nỗi đau,… Quá khứ của mọi người đều bị dấu kín, tất cả những đứa trẻ đều là con nuôi. Số phận của tất cả con người ở đây đều do các bô lão quyết định, nếu ai không tuân theo thì sẽ bị phóng thích.
Jonas nhận được nhiệm vụ là Người truyền ký ức, từ công việc ấy, cậu khám phá ra được cảm xúc của tất cả mọi người. Cậu hiểu được những cảm xúc cơ bản nhất của con người, cảm giác yêu thương, sự cô đơn, sự tức giận. Cậu còn biết đến chiến tranh, sự tàn khốc của nạn đói và cái chết. Bước ra khỏi xã hội đang được vận hành yên ổn này, cậu bắt đầu ý thức những trật tự hoàn hảo ấy vẫn có những khiếm khuyết. Nhất là khi cậu chứng kiến cảnh bố phóng thích một đứa trẻ trong cặp song sinh. Một hành động giết người được huấn luyện thuần thục đến mức người ta chỉ cho rằng đó là một nhiệm vụ cần thiết.
Nổi bật trong cuốn sách là cái nhìn của một con người khao khát được sống với chính cảm xúc thật của mình. Điều đó giải thích cho lý do tại sao người tiền nhiệm của Jonas đã tự nguyện xin được phóng thích. Sau khi Jonas kế nhiệm, cậu cứ phải chịu đựng để tiếp tục sống.
2. Những ai nên đọc tác phẩm này?
Người truyền ký ức là một tác phẩm được viết cho thiếu nhi. Nhưng không phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể cầm lên xem được. Như lời của tác giả nói về tác phẩm của mình.
“Người đàn ông tôi đặt tên là Người truyền Ký Ức đã truyền lại cho cậu bé hiểu biết, lịch sử, màu sắc, nỗi đau, tiếng cười, tình yêu và sự thực. Mỗi lần bạn trao một cuốn sách vào tay một đứa trẻ, bạn cũng đã làm điều đó. Đó là một điều mạo hiểm. Nhưng mỗi lần đứa trẻ mở một cuốn sách ra, nó đã đẩy cánh cổng ngăn cách mình và Nơi Khác. Và điều này đưa đến lựa chọn. Đưa đến tự do. Đó là những điều nguy hiểm một cách quý báu và tuyệt diệu.” – trích Người truyền ký ức.
Thật vậy, quyển sách mở ra cho những em nhỏ và cả người lớn là những sự lựa chọn, từ đó đưa đến tự do trong tư tưởng của chính mình. Xét cho cùng, Người truyền ký ức mang lại cho độc giả những cảm xúc tinh tế, mãnh liệt của con người. Cái đẹp lung linh, huyền ảo nhưng diệu kỳ của tình yêu thương. Cái sự lạnh lẽo, khô khốc và tàn ác của chiến tranh, của cái chết. Quyển sách là một chiếc chìa khóa để những em nhỏ mở ra cánh cửa cảm xúc của mình. Đôi lúc tôi thấy lạnh gáy vì hình ảnh cái chết nhưng thỉnh thoảng thấy ấm áp vì những tia sáng của sự yêu thương trong tác phẩm.
Không có gì bất ngờ khi Người truyền ký ức dành được Huân chương Newberry, là một tác phẩm văn học có ảnh hưởng và đóng góp to lớn đối với trẻ em. Mặc dù câu chuyện của Lois dựng lên khá hoang tưởng, nhưng có sự góp mặt của những nhân vật đời thường, phản ánh lên được những cảm xúc thật của một con người đúng nghĩa.
Quyển sách này sẽ không phù hợp với những ai có suy nghĩ về màu hồng vĩnh cửu hoặc một cái đẹp hoàn hảo. Nó là một quyển sách dành cho trẻ em, nhưng chỉ những em nhỏ nào có một trái tim ấm áp và dũng cảm, cũng như lòng vị tha ngây ngô của trẻ thơ.