|
Bến Nhà rồng - Nơi bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ (ảnh sưu tầm)
|
Vào cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị. Khi đó, thực dân Pháp và giai cấp phong kiến đã cấu kết với nhau thống trị nước ta, dân ta một cổ hai tròng, thân phận nô lệ bị đọa đày áp bức và đau khổ không kể xiết. Các phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng Việt Nam, tuy nổ ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại.
Giữa hoàn cảnh tối tăm ấy, ngày 5/6/1911, tại Bến Cảng Nhà Rồng lịch sử, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa.
Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đó chính là “Đường cách mệnh” cho dân tộc ta mà Người đã chọn.
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021), phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới./.