Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù (quê ngoại của Bác), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Quê nội của Bác ở làng Kim Liên (làng Sen) và nằm cách làng Hoàng Trù khoảng 2km.
Sinh thời, Bác Hồ nổi tiếng là người sống rất giản dị và khiêm tốn. Bác không thích phô trương và càng đặc biệt không thích người khác tặng quà cho mình. Đây là lý do mà đến tận tháng 5/1946, toàn thể nhân dân Việt Nam mới được biết đến ngày sinh của Bác. Theo cuốn hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của cụ Vũ Đình Huỳnh (nguyên thư ký riêng của Bác và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) được đăng trên báo Văn nghệ vào tháng 10/1993 có trích đoạn như sau: Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi bảo: “Này, chú thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!” Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình? Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, Bác dặn thêm: “Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi”.
Hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi
Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó tại Bắc Bộ phủ. Hôm sau, Thủ đô Hà Nội và cả nước rực rỡ màu cờ hoa, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và những lời chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không khí ngày sinh nhật Bác chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm, từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường phố trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc sinh nhật Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi thì ăn mặc quần áo đẹp và gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ để chúc mừng sinh nhật Bác. Ngày 25/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn đồng bào, các cơ quan, đoàn thể Việt Nam và nước ngoài đã gửi lời chúc mừng sinh nhật cho mình.
Bác Hồ vẫn luôn từ chối việc tổ chức mừng sinh nhật mình. Năm 1949, Người đã viết bài thơ không đề để trả lời ý kiến một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình:
"Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta."
Do vậy, vào những lần sinh nhật khác, mọi người cũng thường chỉ gửi những lời chúc mừng sinh nhật, lời cảm ơn và mua một ít kẹo bánh để mời người đến gặp trực tiếp Bác. Đến năm 1965, trong tháng sinh nhật mình, Bác đã bắt đầu viết di chúc và ngày sinh nhật của Người cũng được tổ chức gọn nhẹ, ý nghĩa. Dịp sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1969 cũng diễn ra giản dị và đầm ấm như thế và đó cũng là ngày sinh nhật cuối cùng của Bác.
Một số hoạt động chào mừng ngày sinh nhật Bác Hồ
Hàng năm, vào ngày sinh nhật Bác, Chính phủ và nhân dân Việt Nam lại tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để ghi nhớ công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào sáng ngày 19/5, nghi lễ treo cờ, dâng hoa sinh nhật Bác sẽ được tổ chức tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nhiều người dân đến tham dự. Tại quê Bác - Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, chỉnh trang lại để đón tiếp mọi người con trong và ngoài nước đến viếng thăm.
Bên cạnh đó, các hoạt động khác như treo cờ Tổ quốc, diễu hành, các chương trình biểu diễn văn nghệ, dâng hoa lên các mộ anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng... cũng thường được tổ chức trong ngày sinh nhật Bác. Các hoạt động diễn ra vào ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch nhằm giúp người dân Việt Nam nhận thức đầy đủ và sâu sắc về sự cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết...